Xuất huyết tiêu hóa là gì? Cách xử lý tốt nhất

Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra ở bất cứ ai. Trong các trường hợp, xuất huyết tiêu hóa không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế cần nhận biết sớm triệu chứng bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời và đúng. Tham khảo ngay những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và các xử lý phù hợp khi gặp hiện tượng này từ đó bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình tốt hơn.

Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa hay chảy máu đường tiêu hóa là tất cả các dạng chảy máu bên trong đường tiêu hóa từ thực quản đến trực tràng. Thông thường, bệnh được phát hiện với hai dấu hiệu là nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.

Theo các thống kê mới đây, tỷ lệ nam giới mắc xuất huyết tiêu hóa nhiều hơn phụ nữ đến 20%. Nguyên nhân khiến đàn ông thường bị xuất huyết tiêu hóa là do các thói quen xấu tác động như sử dụng rượu bia, ăn uống không điều độ.

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa thường gặp

Các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra một số nguyên nhân sau đây là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa:

  • Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: Người mắc bệnh viêm loét dạ dày do lạm dụng thuốc kháng sinh, uống nhiều bia rượu có nguy cơ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Thực tế có đến 40% trường hợp xuất huyết tiêu hóa là do nguyên nhân này.
  • Do bệnh lỵ trực trùng, lỵ amip: Biểu hiện là tình trạng sốt, đau quặn bụng, mót rặn và chảy máu tiêu hóa.
  • Các bệnh về gan: Các bệnh viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa.
  • Uống phải dung dịch kiềm hoặc acid: Một số trường hợp xuất huyết tiêu hóa đột ngột do người bệnh uống phải các chất có tính kiềm và acid cao.
  • Căng thẳng, stress quá độ: Tình trạng tâm lý căng thẳng cũng gây ra xuất huyết tiêu hóa cấp tính.
  • Tổn thương khác ở đường tiêu hóa: Các khối u tá tràng, u đại tràng, túi thừa meckel, đường mật bị tổn thương,… dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

Khi bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh sẽ có một số triệu chứng điển hình cần được phát hiện kịp thời để có cách khắc phục tốt nhất:

Nôn ra máu

Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi bị xuất huyết tiêu hóa. Tùy vào từng tình trạng và vị trí chảy máu tiêu hóa mà người bệnh sẽ nôn ra số lượng máu, tính chất nôn khác nhau. Có trường hợp màu sắc đỏ tươi hoặc màu hồng do lẫn dịch tiêu hóa, đôi khi có màu nâu sẫm. Tính chất máu có thể là máu tươi, có thể thành cục bằng hạt lạc hoặc chỉ là các gợn đen như hạt tấm lẫn với thức ăn và dịch nhầy.

Đi ngoài ra máu hoặc phân đen

Tĩnh mạch trong ống tiêu hóa bị áp lực quá mức gây giãn nở và chảy ra máu. Người bệnh có thể đi ngoài ra máu hoặc phân có màu đen do lẫn máu.

Mất máu

Khi người bệnh mất nhiều máu sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt, cơ thể suy nhược, xanh xao, trắng nhợt. Nhiều trường hợp mất máu có nhiều có thể gây ngất xỉu, khó thở, tụt huyết áp,… cần được đi cấp cứu ngay.

Sốc

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa gây mất quá nhiều máu (khoảng 20% thể tích máu) trong cơ thể người bệnh sẽ bị tím tái, da lạnh, huyết áp giảm xuống đột ngột.

Một số trường hợp nguy hiểm hơn người bệnh có thể bị thiếu máu não dẫn đến nhũn não, người mắc bệnh tim mạch sẽ bị nhồi máu cơ tim, mất máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng.

>> Viêm hang vị dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh nguy hiểm này

Phương pháp chữa trị xuất huyết tiêu hóa hiệu quả

Để điều trị xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên mức độ, tình trạng bệnh và vị trí chảy máu. Mọi trường hợp đều cần hướng đến nguyên tắc chung là: Cầm máu, chống sốc, khôi phục lưu lượng tuần hoàn, chữa trị tận gốc nguyên nhân của bệnh.

Cụ thể đối với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa cấp tính, bác sĩ sẽ thực hiện:

  • Truyền máu và truyền dịch tĩnh mạch để hồi sức bệnh nhân. Thông thường truyền máu chỉ thực hiện khi chỉ số hemoglobin ít hơn 70 – 80 g/L.
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton IV như omeprazole, octreotide đối với các trường hợp máu chảy từ dạ dày để ức chế acid.
  • Cung cấp thuốc giúp dạ dày ổn định như prokinetics (metoclopramide, erythromycin) cho các trường hợp bệnh nhân chảy máu nhiều.
  • Trường hợp bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thực quản, bác sĩ sẽ dùng ống thông khí cầu thực quản.
  • Tiến hành nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng hoặc có thể là nội soi đại tràng để chẩn đoán và tiếp tục điều trị trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất huyết.

Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa

Người bệnh cần thường xuyên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ngay cả khi không có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa. Những cơn đau bụng thượng vị, hoa mắt, chóng mặt… cũng có thể là biểu hiện của tình trạng chảy máu dạ dày nhẹ. Một số lưu ý sau đây người bệnh cần nắm rõ để phòng tránh tình trạng xuất huyết tiêu hóa tái phát và bảo vệ hệ tiêu hóa tốt nhất:

  • Tránh xa các loại thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
  • Không ăn thực phẩm cay nóng, có nhiều gia vị, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh…
  • Không ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, ăn chậm nhai kỹ, tập trung khi ăn.
  • Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và tăng cường bổ sung chất xơ rau củ, kháng chất cho cơ thể.
  • Ngủ đúng giờ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá sức, giải quyết các vấn đề căng thẳng sớm không để chúng phát sinh gây stress.
  • Tập luyện nhẹ nhàng các bài tập yoga, tập thiền, dưỡng sinh, đi bộ,… để cải thiện tình trạng tiêu hóa.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong các trường hợp được điều trị tại nhà. Tuy nhiên không lạm dụng thuốc tây y, thay vào đó có thể tham khảo các phương pháp dân gian đơn giản để bảo vệ hệ tiêu hóa.

Như vậy, xuất huyết tiêu hóa là tình trạng bệnh nghiêm trọng. Mọi người tuyệt đối không thể chủ quan và cần nắm rõ các thông tin và triệu chứng, nguyên nhân và cách xử lý trên đây. Với bất kỳ trường hợp xuất huyết tiêu hóa nào cũng cần tới bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hại đến tính mạng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chuyên mục.

Bài viết liên quan