Tiêu chảy là một vấn đề về đường tiêu hóa thường gặp. Tình trạng này diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát thành dịch, gọi là dịch tả, đặc biệt là vào mùa hè. Tiêu chảy nếu kéo dài, không được điều trị đúng cách thì rất có thể gây ra nhiều biến chứng về bệnh đường ruột nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Tiêu chảy là bệnh gì?
- Tiêu chảy cấp: Kéo dài từ một vài ngày đến 1 tuần.
- Tiêu chảy bán cấp: Kéo dài khoảng 3 tuần.
- Tiêu chảy mạn: Kéo dài từ 4 tuần trở lên.
Nguyên nhân gây tiêu chảy
Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy rất đa dạng. Các nguyên nhân thường gặp và phổ biến nhất bao gồm:
Nhiễm khuẩn đường ruột
Nhiễm khuẩn đường ruột là một trong những nguyên nhân chính và chủ yếu gây tiêu chảy. Nhiễm khuẩn đường ruột xảy ra khi thực phẩm bạn ăn không đảm bảo vệ sinh, có chứa các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, Clostridium, Salmonella…
Tác nhân ở môi trường ngoài, qua thức ăn xâm nhập vào cơ thể và gây ngộ độc, nhiễm khuẩn đường ruột. Đặc biệt là các thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, phân, đạm, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán… cũng tăng cơ hội nhiễm bệnh. Thêm vào đó, thói quen ăn đồ sống, đồ tái, gỏi… làm tăng nguy cơ mắc bệnh và bùng phát dịch.
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo
Điều kiện vệ sinh kém, nhất là ô nhiễm nguồn nước, đất làm dịch lây lan nhanh hơn và diễn biến phức tạp hơn. Để hạn chế tình trạng này, mọi người cần duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Thực trạng không sử dụng nhà tiêu ở một số nơi là yếu tố thúc đẩy dịch bệnh bùng phát.
Rối loạn hệ vi sinh đường ruột
Người sử dụng thuốc kháng sinh nhiều và kéo dài, hay lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ giết chết các loại vi khuẩn có lợi trong đường ruột, mất cân bằng hệ vi sinh, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, tăng tình trạng kích thích nhu động ruột. Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều lần phân lỏng, không thành khuôn, phân sống.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi người bệnh ăn thức ăn đã hỏng, ôi thiu hoặc nhiễm độc. Người bệnh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều lần sau khi ăn, tiêu chảy, nôn mửa, sốt… Trong một số tình trạng nguy hiểm hơn, ngộ độc thực phẩm có thể gây sốt cao, co giật và tử vong…
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng do các nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hóa chất, căng thẳng… gây nên. Người bệnh viêm đại tràng thường rơi vào tình trạng rối loạn tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy.
Triệu chứng của tiêu chảy
Các triệu chứng tiêu chảy lại hoàn toàn trái ngược với chứng táo bón. Các triệu chứng có thể gặp khi bị tiêu chảy bao gồm:
- Đại tiện nhiều lần, vừa đi xong lại buồn đi tiếp, phân sống, có thể lẫn máu.
- Bụng đau quặn hoặc âm ỉ, đầy hơi, chướng bụng.
- Buồn nôn và/hoặc nôn.
- Nếu tác nhân gây bệnh là virus: Bệnh nhân có thể đi ngoài vài chục lần trong ngày, đi ngoài mất kiểm soát. Phân màu trong, hoặc đục như nước vo gạo, dạng nước, mùi tanh, không lẫn máu và lợn cợn vảy trắng.
- Nếu nguyên nhân liên quan đến chức năng đại tràng: Phân không thành khuôn, sền sệt hoặc có bọt, có thể nát. Bệnh nhân sẽ đi ngoài ngay sau khi ăn xong và cảm thấy dễ chịu hơn sau mỗi lần đại tiện.
- Nguyên nhân là viêm đại tràng: Bụng đau quặn thắt hoặc âm ỉ. Bệnh nhân đi ngoài nhiều, phân có thể lỏng, không thành khuôn hoặc táo, mùi tanh, có thể ra máu… Nếu người bệnh đi ngoài mùi rất khó chịu và phân lẫn máu có thể đây là triệu chứng của ung thư đại tràng.
Cách điều trị tiêu chảy dứt điểm ngay tại nhà
Bù nước và điện giải
Tiêu chảy khiến người bệnh đi ngoài rất nhiều lần gây rối loạn điện giải và mất nước. Nhiều trường hợp tiêu chảy nhiều, kéo dài nhưng không được bù nước và điện giải kịp thời, không đúng cách đã khiến người bệnh tử vong, nhất là trẻ em.
Cách bù nước và điện giải tốt nhất là sử dụng dung dịch Oresol và pha theo đúng hướng dẫn. Không được pha quá đặc hoặc quá loãng mà cần đảm bảo pha đúng tỷ lệ quy định, tránh tiền mất tật mang.
Nếu không có sẵn oresol, có thể sử dụng đường và muối với tỷ lệ 1 thìa cafe (gạt ngang) muối:8 thìa cafe (gạt ngang) đường pha với 1 lít nước. Trong trường hợp mất quá nhiều nước, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Thuốc điều trị tiêu chảy
Tùy vào nguyên nhân gây tiêu chảy bác sĩ sẽ kê cho bạn đơn thuốc điều trị tiêu chảy phù hợp để điều trị tận gốc rễ. Người bệnh hoặc người nhà tránh tình trạng tự mua thuốc tại các quầy thuốc Tây khi chưa hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh và chưa có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy
Nhiều người vận dụng các bài thuốc nam chuyên điều trị tiêu chảy vì tính an toàn và hiệu quả của nó. Một số loại thuốc nam thường dùng để chữa tiêu chảy là nụ vối, vỏ cam, vỏ quýt, lá ổi… Nhưng, cũng như các loại thuốc tây, thuốc nam cũng được sử dụng tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
Do vậy, lời khuyên cho mọi người khi điều trị tiêu chảy là không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định, kê đơn của bác sĩ.
Người bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì?
Người bị tiêu chảy nên ăn các loại thức ăn có dạng lỏng, dễ tiêu như:
- Súp, cháo trắng, bột gạo, khoai tây… vừa có tác dụng bù nước vừa giúp tạo khuôn phân, dễ dàng tiêu hóa và điều hòa hoạt động tiêu hóa.
- Thịt ức gà, thịt lợn nạc…
- Chuối giúp bổ sung chất khoáng cho cơ thể, nhất là kali.
- Táo giúp bổ sung đường, hòa tan pectin, làm giảm tình trạng tiêu chảy.
- Sữa chua bổ sung hàng tỷ lợi khuẩn probiotic, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều sữa chua khi bị tiêu chảy, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Trong khi bị tiêu chảy, người bệnh không nên ăn:
- Thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ tái, sống, chưa nấu kỹ…
- Các loại thịt đỏ, thịt bò, hải sản, trứng, sữa, các loại rau chứa nhiều chất xơ khiến hệ tiêu hóa đang bị bệnh phải hoạt động nhiều, làm bệnh thêm trầm trọng.
- Người bệnh tuyệt đối không được uống các loại nước có ga, đồ uống có cồn, chất kích thích… Các loại thực phẩm này càng làm tình trạng của bệnh nặng hơn.
Tiêu chảy là tình trạng rất thường gặp nhưng nhiều người chưa biết cách xử lý vấn đề sức khỏe này đúng cách. Vì vậy, hãy chia sẻ những thông tin bổ ích này cho những người thân yêu xung quanh bạn nhé!