Hàng năm, ung thư dạ dày cướp đi sinh mạng của hơn 15 nghìn người Việt Nam và mỗi năm lại có thêm hơn 17 nghìn người mới phát hiện bệnh (số liệu năm 2018 của WHO). Đáng nói, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể được phát hiện sớm bằng phương pháp sinh thiết và có tỷ lệ chữa khỏi rất cao, nhưng 90% bệnh nhân đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn..
Theo GS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K “Với ung thư dạ dày, tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100%, càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp”.
Phương pháp sinh thiết dạ dày là gì?
Sinh thiết dạ dày là một xét nghiệm y khoa và là một phương pháp kiểm tra các tế bào niêm mạc dạ dày trong phòng thí nghiệm. Để làm sinh thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào (một mảnh nhỏ) ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày bằng ống nội soi mềm.
Mẫu tế bào dạ dày sau khi được lấy sẽ được đem tới phòng thí nghiệm để làm các xét nghiệm phân tích các dấu hiệu viêm, tế bào ung thư hoặc xác định sự tồn tại của vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp).
Hiện nay, sinh thiết là phương pháp đánh giá bệnh chính xác nhất để xác định nguyên nhân gây loét dạ dày và phát hiện sớm ung thư dạ dày.
Những ai nên tiến hành làm sinh thiết dạ dày ngay hôm nay?
Do ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không bộc lộ các biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, thậm chí các triệu chứng bệnh còn dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày thông thường khác nên người bệnh thường có tâm lý khá chủ quan.
Nhưng một khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng được bộc lộ rõ ràng thì hầu hết ung thư đã ở thể nặng và bắt đầu hoặc đã tiến hành di căn sang các bộ phận khác. Vì vậy, khi có các dấu hiệu sau thì nên tiến hành sinh thiết dạ dày ngay:
– Đau bụng vùng thượng vị
– Thường xuyên buồn nôn hoặc nôn
– Ợ hơi, ợ chua thường xuyên
– Mất cảm giác ăn ngon, sụt cân không rõ nguyên nhân
– Đi ngoài phân đen
– Nôn ra máu
4 lưu ý quan trọng trước khi thực hiện sinh thiết dạ dày
Để việc thực hiện sinh thiết được diễn ra thuận lợi và có kết quả kiểm tra chính xác nhất, người bệnh cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
– Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ và nhịn uống nước trong vòng 2 giờ trước khi tiến hành nội soi sinh thiết dạ dày.
– Tuyệt đối không sử dụng thức ăn xơ cứng và đồ uống có màu buổi tối trước khi làm sinh thiết dạ dày.
– Ngừng sử dụng thuốc chống đông máu (Nếu có).
– Ngừng sử dụng thuốc băng niêm mạc dạ dày (Nếu có)
Ngoài ra, khi được bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh lý, bệnh tim mạch, bệnh huyết áp, rối loạn đông máu,.. thì người bệnh cần chia sẻ một cách chính xác để việc tiến hành sinh thiết được an toàn nhất.
Tìm hiểu: Vi khuẩn HP có lây không? Làm thế nào để phát hiện mình có bị nhiễm khuẩn?
Tất tần tật từ A – Z về quá trình sinh thiết dạ dày
Để bạn có những kiến thức nhất định về phương pháp sinh thiết dạ dày và trang bị cho mình tâm lý sẵn sàng, dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thông tin toàn cảnh về quá trình này.
Bước 1: Giảm cảm giác đau và phản xạ nôn, ho
Có hai phương pháp là tiêm thuốc gây mê và xịt thuốc tê vào khoang miệng. Người bệnh có thể chủ động lựa chọn phương pháp cho mình. Mục đích của việc này đó là giúp cho người bệnh giảm cảm giác đau và phản xạ nôn, muốn ho khi bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi gắn thiết bị sinh thiết qua cổ họng xuống dạ dày.
Bước 2: Đưa ống nội soi vào dạ dày
Bác sĩ sẽ tiến hành đeo thiết bị bảo vệ răng và từ từ đưa ống nội soi vào cổ họng, xuống thực quản, dạ dày – tá tràng của người bệnh. Sau đó tiến hành bơm không khí vào dạ dày để quan sát dễ dàng hơn.
Người bệnh ban đầu sẽ có cảm giác khó chịu, buồn nôn, muốn ho sặc và hơi khó thở. Tuy nhiên cảm giác này sẽ dần hết khi cơ thể dần thích ứng.
Bước 3: Quan sát các tổn thương bên trong dạ dày và lấy mẫu sinh thiết tại các mô tổn thương.
Bước 4: Mẫu sinh thiết được lấy ra ngoài, kết thúc quá trình nội soi. Mẫu sinh thiết sau đó sẽ được gửi qua phòng thí nghiệm để được kiểm tra.
Người bệnh sau khi tiến hành sinh thiết lưu ý không ăn uống trong vòng 1 giờ. Nếu sử dụng phương pháp nội soi gây mê thì cần nghỉ ngơi và hạn chế đi lại trong vòng 30 phút.
Sinh thiết dạ dày là một phương pháp hiệu quả và an toàn trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng như xác định các nguyên nhân gây ra các bệnh lý khác về dạ dày. Tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp bệnh nhân gặp những phản ứng phụ với thuốc giảm đau, gây mê dẫn đến các hiện tượng như khó thở, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm, co thắt thanh quản hoặc chảy máu ở vị trí lấy mẫu, thủng trong dạ dày tá tràng, thủng thực quản.
Để hạn chế tối đa những biến chứng hay phản ứng phụ này, trước – trong và sau khi tiến hành sinh thiết dạ dày, người bệnh cần tuân thủ những chỉ dẫn và cảnh báo của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến phương pháp sinh thiết dạ dày, hy vọng sẽ cung cấp được những thông tin thiết thực đến cho các bạn. Hãy luôn nhớ, phòng bệnh hơn chữa bệnh, luôn có một lối sống và nhịp sinh hoạt hợp lý, điều độ để cơ thể luôn khỏe mạnh các bạn nhé!