Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc tại sao con mình lại bị rối loạn tiêu hóa? Làm sao để nhận biết rối loạn tiêu hóa ở trẻ và cách xử trí phù hợp? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về tình trạng này.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là gì?
Một số nguyên nhân dưới đây có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, bao gồm:
- Hệ tiêu hóa còn non nớt, sức đề kháng kém: Trẻ còn nhỏ, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện, chưa đủ khả năng bảo vệ và chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài, dễ gây rối loạn tiêu hóa.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh ở đường tiêu hóa khiến quá trình dung nạp chất dinh dưỡng vào cơ thể gặp nhiều khó khăn.
- Trẻ đang sử dụng thuốc kháng sinh hoặc phải dùng kháng sinh trong thời gian dài điều trị bệnh: Hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu kết hợp với việc sử dụng kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột. Sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc liều cao làm chết các vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện tiêu chảy, đi ngoài phân sống, táo bón.
- Ngộ độc thực phẩm: Khi ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn chưa được nấu chín, đồ hỏng, ôi thiu… trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.
- Chế độ dinh dưỡng không cân đối: Nhiều phụ huynh chưa hiểu biết nhiều về chế độ ăn uống của trẻ thường dẫn đến tình trạng ép trẻ ăn quá no, ăn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng quá cao, thức ăn nhiều đạm, nhiều chất xơ, dầu mỡ, cho trẻ ăn dặm sớm… Việc làm này khiến hệ tiêu hóa của trẻ không thể thích nghi, gây tình trạng trẻ biếng ăn, đầy bụng, khó tiêu…
- Tác nhân môi trường sống: Nơi ở bụi bẩn, trẻ tiếp xúc với đồ chơi, vật nuôi nhiễm khuẩn và có thói quen đưa tay lên miệng sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh.
Các tác nhân khác như viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, viêm phế quản, trẻ bị căng thẳng kéo dài… cũng gây biến chứng rối loạn tiêu hóa.
Tìm hiểu: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không?
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có biểu hiện:
- Tiêu chảy: Triệu chứng này thường xuất hiện sớm nhất trong các biểu hiện của rối loạn đường tiêu hóa. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý hơn nếu trẻ dưới 1 tuổi, bé đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ngày, đầy hơi, chướng bụng, phân lỏng, có nhầy. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, hay quấy khóc, không chịu chơi, hay nôn trớ. Lúc này cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ sớm nhất để tránh các biến chứng mất nước và điện giải nghiêm trọng ở trẻ.
- Đầy hơi, chướng bụng, đau bụng: Trẻ cảm thấy khó chịu, bụng chứng, căng, ợ hơi, miệng hôi và đánh hơi nhiều hơn bình thường. Trẻ thường bị đau vùng bụng bên trái, đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau có thể khu trú hoặc lan ra sau lưng.
- Táo bón: Táo bón cũng là tình trạng thường gặp của rối loạn tiêu hóa. Trẻ bị táo bón đi ngoài phân khô, rắn, khó đi, bụng cứng, đại tiện lâu và 2-3 ngày mới đi một lần. Trường hợp này thường gặp ở trẻ ăn quá nhiều chất đạm, thức ăn bổ dưỡng, chất béo hoặc ở những trẻ uống sữa bột với hàm lượng dinh dưỡng cao.
- Nôn, trớ: Trớ là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ do ống thực quản của trẻ ngắn, hệ thống van phát triển chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ trớ nhiều lần có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên làm gì?
Khi trẻ có những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần:
- Đưa con đến bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách. Phụ huynh tuyệt đối tránh tình trạng tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh vì mỗi tác nhân gây bệnh có cách điều trị khác nhau. Cha mẹ cũng cần bổ sung nước và các chất điện giải cho con bằng dung dịch oresol pha sẵn hoặc gói tự pha, tránh trường hợp trẻ đi ngoài quá nhiều gây rối loạn điện giải.
- Thay đổi chế độ ăn khoa học, hợp vệ sinh: Cho trẻ ăn các loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi, không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm, không ép trẻ ăn quá no, cân bằng món ăn theo sở thích của trẻ…
- Bổ sung lợi khuẩn: Cha mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn cho con bằng cách cho trẻ ăn sữa chua, uống sữa men sống, sử dụng các loại men vi sinh… để tăng khả năng miễn dịch, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Vệ sinh ăn uống: Nên sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, rửa sạch với nước hoặc ngâm nước muối khoảng 5 phút để loại bỏ phần nào dư lượng chất hóa học. Cho trẻ ăn chín, uống xôi, không ăn đồ tái, đồ sống.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Trẻ nhỏ hay có thói quen đưa tay hoặc bất kỳ đồ vật nào vào miệng. Vì thế, cha mẹ cần vệ sinh nơi ở của con sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi của trẻ, tránh không cho bé tiếp xúc trực tiếp bằng tay với đất phòng nguy cơ nhiễm giun sán.
- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần.
Trên đây là những thông tin các bậc phụ huynh cần biết để kịp thời xử trí với những triệu chứng và nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách. Không khuyến cáo tự chữa trị tại nhà vì rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ.