Ợ chua có phải dấu hiệu mang thai? Giải đáp chính xác nhất

Nhiều người phụ nữ khi bị ợ chua thường nghĩ “Ợ chua có phải dấu hiệu mang thai không?”. Tuy nhiên trên thực tế, ợ chua là triệu chứng gặp trong nhiều tình trạng sức khỏe, trong đó có các bệnh lý dạ dày thực quản. Hãy cùng tìm hiểu ngay!

Phụ nữ có thai chắc chắn sẽ ợ chua?

Phụ nữ có thai có thể có dấu hiệu ợ chua. Nguyên nhân là các thay đổi trong cơ thể khi có thai dẫn đến phản ứng “nghén”, trong đó có dấu hiệu ợ chua, lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn khan.

Tuy nhiên phản ứng này ở các phụ nữ khác nhau là rất khác nhau. Có những phụ nữ không hề cảm nhận gì nhưng cũng có những người “nghén” rất nặng. Bởi vậy, khi có thai phụ nữ chưa chắc đã ợ chua.

Ợ chua – dấu hiệu gặp ở nhiều bệnh

Thật vậy, ợ chua không phải là dấu hiệu chắc chắn có thai bởi lẽ nó là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý của hệ tiêu hóa.

  • Các bệnh lý dạ dày thực quản (trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị, viêm loét tá tràng…): Các bệnh này rất thường xuyên gặp, là nguyên nhân số một dẫn đến tình trạng ợ chua theo đợt, tái đi tái lại.
  • Các bệnh đường tiêu hóa khác (viêm túi mật, tắc đường mật…): Các bệnh này ít gặp hơn nhưng tương đối nguy hiểm. Hãy chú ý các dấu hiệu kèm theo như vàng da, sống phân, sốt và đau bụng để thăm khám kịp thời.
  • Các phản ứng tâm lý: Nếu bạn quá căng thẳng, bệnh tâm thần… cũng gây kích kích co bóp và bài tiết dịch vị của dạ dày. Chúng có thể gây ợ chua thất thường, không có quy luật và không có tổn thương thực thể ở dạ dày.
  • Ăn quá nhanh hoặc ăn thức ăn khó tiêu: Ăn uống quá nhanh sẽ làm đầy dạ dày trong dạ dày trong thời gian ngắn. Cùng với đó, lượng khí bị nuốt vào bụng cũng nhiều hơn càng gây nặng tình trạng này. Dạ dày sẽ có phản ứng tăng cường co bóp để xử lý thức ăn, không may cũng làm dịch tiêu hóa trào lên thực quản và miệng gây ợ chua.
  • Các tình trạng thai nghén, chửa trứng… cũng gây ợ chua đã đề cập ở trên.

Tóm lại có rất nhiều chứng bệnh gây sự thay đổi trương lực cơ thắt tâm vị và tăng nhu động bất thường của dạ dày. Kết quả là tâm vị mở khi dạ dày co bóp làm trào ngược dịch vị lên thực quản, lên miệng gây ra chứng ợ chua.

Tham khảo: Bà bầu bị ợ chua phải làm sao để nhanh khỏi

Vậy làm sao để biết chắc chắn ợ chua có phải là có thai hay không?

Nếu các bạn bị ợ chua nhiều, kèm chậm kinh sau quan hệ tình dục và các triệu chứng nghén khác như: nôn, buồn nôn, thay đổi vị giác, cương tức bầu vú… thì rất có thể bạn đã có thai.

Cách kiểm tra trong trường hợp này là sử dụng que thử thai sau 10 ngày quan hệ. Nếu kết quả âm tính, chờ đợi hai ngày sau đó thử lại. Nếu kết quả dương tính hoặc không chắc chắn, hãy đến viện để được thăm khám. Tại đây các bác sĩ sẽ xác định xem bạn đã có thai hay chưa và vị trí làm tổ của thai ở trong hay ngoài tử cung.

Ngược lại nếu bạn bị ợ chua mà không chậm kinh, có kèm các triệu chứng tiêu hóa khác như đau bụng thượng vị, đầy bụng khó tiêu… thì rất có thể bạn đã mắc các bệnh lý dạ dày thực quản.

Nếu các triệu chứng tăng lên khi đói hoặc ngay sau ăn, tái đi tái lại theo mùa… thì càng ủng hộ chẩn đoán sơ bộ bệnh lý dạ dày thực quản. Việc cần làm trong trường hợp này là tới các cơ sở y tế để được thăm khám. Chỉ định bác sĩ thường đặt ra là nội soi dạ dày thực quản để xác định bệnh.

Các biện pháp giảm ợ chua nhanh chóng, hiệu quả

Nếu tình trạng ợ chua xuất hiện thường xuyên sẽ gây rất nhiều khó chịu cho người bệnh. Khi đó, một số mẹo đơn giản sau đây sẽ giúp giảm tình trạng này một cách nhanh chóng, hiệu quả:

  • Ăn uống chậm rãi: Hãy ăn chậm nhai kỹ để dạ dày không phải làm việc vất vả và sinh ra ợ chua.
  • Không ăn các đồ khó tiêu như ăn quá nhiều thịt, trứng, bánh kem, bánh bông lan trứng muối.
  • Không mặc quần áo và đeo thắt lưng quá chật: Mặc chật gây đè ép vào dạ dày. Kết quả là dịch tiêu hóa càng có xu hướng bị tống lên thực quản gây ợ chua. Hãy thả lỏng thắt lưng mà mặc đồ rộng rãi để giảm ợ chua.
  • Không hút thuốc lá: Thuốc lá cũng gây kích thích dạ dày nên bỏ thuốc là một điều cần thiết để giảm ợ chua.
  • Các loại thuốc chữa trị ợ chua: Gồm các nhóm thuốc trung hòa acid dạ dày, ức chế bơm Proton và đối kháng receptor H2… giúp giảm acid dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng các thuốc này khi có chẩn đoán xác định căn nguyên. Bạn cũng phải tuân thủ đúng các chỉ định, chống chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Như vậy câu hỏi “Ợ chua có phải dấu hiệu mang thai không?” đã có câu trả lời thỏa đáng. Ợ chua có thể là một trong các dấu hiệu có thai nhưng cũng gặp trong nhiều bệnh khác. Vì vậy, khi bị ợ chua, bạn cần căn cứ vào các dấu hiệu đi kèm để có quyết định cho phù hợp. Khi cần thiết, bạn hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bài viết liên quan