Nghị định thư Montreal: Sức mạnh bảo vệ tầng ozone hiệu quả

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời nhằm bảo vệ môi trường, tầng ozone trước những mối đe dọa hiện nay. Cùng tìm hiểu rõ hơn nghị định thư Montreal là gì? Việc thực hiện nghị định này tại Việt Nam hiện nay như thế nào ngay sau đây.

Nghị định thư Montreal là gì?

Nghị định thư Montreal là điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ôzôn bằng cách loại bỏ sự sản xuất những chất làm suy giảm ôzôn (ODS). Nhờ vậy mà hạn chế thiệt hại đến tầng ozone của trái đất.

Nếu không loại bỏ được sự sản xuất chất làm suy giảm ôzôn sẽ cho phép tăng bức xạ tia cực tím tiếp cận trái đất. Điều này dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể mắt cao hơn; hệ thống miễn dịch bị tổn hại nhiều hơn và tác động tiêu cực đến rừng đầu nguồn, đất nông nghiệp và rừng.

Nghị định thư Montreal được thống nhất vào ngày 16/09/1987, có hiệu lực kể từ ngày 16/09/1989. Kể từ sau khi có hiệu lực, nghị định Montreal được sửa đổi 8 lần vào các năm 1990, 1991, 1992, 1993, 1995, 1997, 1998, 1999 và 2016. Riêng năm 2016 được thông qua nhưng không có hiệu lực, bởi kết quả của thỏa thuận quốc tế, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang dần hồi phục.

Theo dự báo khí hậu cho thấy tầng ozone sẽ trở về mức 1980 trong khoảng thời gian từ 2050 đến 2070.

Nghị định thư Montreal được ký bởi 197 quốc gia. Đây là Hiệp ước đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc đạt được phê chuẩn toàn cầu thành công nhất.

Quy định của Nghị định thư Montreal

Hiệp ước được cấu trúc xung quanh một số nhóm hydrocacbon halogen hóa làm suy giảm tầng ozone tầng bình lưu. Tất cả các chất làm suy giảm tầng ozone được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal đều chứa clo hoặc brom (các chất chỉ chứa flo không gây hại cho tầng ozone). Một số chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) chưa được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal, bao gồm oxit nitơ (N2O) Đối với bảng các chất làm suy giảm tầng ozone được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal. Nghị định thư Montreal quy định những điều sau đây:

  • Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, loại bỏ hoàn toàn chất làm suy giảm tầng ozone nhóm CFC (clorofluorocarbon).
  • Từ năm 2010 trở đi, tất cả những nước thành viên sẽ triển khai loại bỏ những chất HCFC (hydrochlorofluorocarbon). Hydrochlorofluorocarbons, thường được gọi là HCFC, là một nhóm các hợp chất nhân tạo có chứa hydro, clo, flo và carbon.
  • Đến năm 2030, những nước đang phát triển phải loại bỏ hoàn toàn những chất HCFC.

Thành tựu khi thực hiện Nghị định thư Montreal

Kể từ khi được thông qua vào năm 1987 và đến cuối năm 2014, nó đã loại bỏ thành công hơn 98% ODS được kiểm soát, giúp đảo ngược thiệt hại cho tầng ozone.

Trong giai đoạn 1989 – 2013, giảm CO2-eq tích lũy lượng khí thải 135 tỷ tấn.

Quá trình chuyển đổi từ CFC (tiềm năng làm suy giảm tầng ozone cao hoặc ODP) sang HCFC trung gian (với ODP thấp hơn) đã được hoàn thành. Quá trình chuyển đổi cuối cùng là các giải pháp thay thế không có ODP.

Thách thức vẫn còn tồn tại là phát triển hoặc lựa chọn các sản phẩm thay thế (chủ yếu trong sản phẩm điện lạnh, điều hòa không khí và bọt) thân thiện với môi trường.

UNDP là một cơ quan thực hiện của Quỹ đa phương để thực hiện Nghị định thư Montreal. Cơ quan này đã hỗ trợ các nước đang phát triển loại bỏ ODS. UNDP cũng là một cơ quan thực hiện cho Cơ sở Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ cho các chương trình tương tự ở các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi. UNDP đã hỗ trợ 120 quốc gia đối tác tiếp cận nguồn vốn 733,5 triệu đô la, giúp loại bỏ 67.870 tấn ODS đồng thời giảm 5,08 tỷ tấn khí thải nhà kính CO2-eq.

Nghị định thư Montreal tại Việt Nam

Tháng 01/1994, Việt Nam tham gia vào phê chuẩn Nghị định thư Montreal. Trong suốt thời gian tham gia nghị định này, Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh, tích cực, có hiệu quả những quy định, cam kết của Nghị định thư Montreal.

Việt Nam đã hạn chế, kiểm soát tình trạng các chất tác động xấu đến tầng ozone bằng những biến pháp như:

  • Không sản xuất mà nhập khẩu các chất phục vụ nhu cầu sản xuất điện lạnh, bọt xốp…
  • Xây dựng, áp dụng những chính sách về môi trường, sản xuất nhằm bảo vệ tầng ozone.

Các dự án Việt Nam đã thực hiện thành công

  • Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam – giai đoạn I”.
  • Dự án “Kế hoạch quốc gia của Việt Nam loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC và Halon”.
  • Chương trình quốc gia của Việt Nam để loại bỏ dần những chất làm suy giảm tầng ozone.
  • Dự án “Trình diễn chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone trong lĩnh vực làm lạnh công nghiệp”.
  • Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ở Việt Nam”.

Những văn bản liên quan đến nghị định thư Montreal của chính phủ

Để các cơ quan ban hành, người dân thực hiện Nghị định thư Montreal nghiêm túc và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản sau:

  • Ngày 11/07/2005, Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/ BTM-BTNMT về việc quản lý xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất những chất CFC, CTC và halon.
  • Ngày 30/12/2011, Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT/BCT-BTNMT. Thông tư này quy định việc quản lý xuất nhập khẩu và tạm nhập tái xuất các chất HCFC, Polyol trộn sẵn HCFC-141b (HCFC- 141b Pre-blended polyol). Mục đích là loại bỏ triệt để các chất làm suy giảm tầng ozone.
  • Ngày 03/05/2017, Văn bản số 2139/BTNMT- BĐKH được gửi đến các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn bản quy định về việc triển khai những biện pháp giảm cầu polyol trộn sẵn HCFC-141b.

Bên cạnh những thông tư, văn bản được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức những buổi tập huấn, hội thảo. Mục đích để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những chất làm suy giảm tầng ozone.

Xây dựng những bài viết, tài liệu, video… về Nghị định thư Montreal trên những phương tiện truyền thông; cũng như những tác hại khi tầng ozone bị suy giảm và cách bảo vệ tầng ozone…

Kết quả đạt được khi thực hiện Nghị định thư Montreal

Mặc dù trong quá trình thực hiện nghị định gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể:

Người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tầng ozone.

Loại bỏ được nhiều chất thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường.

  • Tính đến 01/01/2010, 500 tấn CFC, Halon và CTC đã được loại bỏ, hoàn thành đúng tiến độ theo Nghị định thư Montreal. Việt Nam nhận được “Chứng nhận hoàn thành loại trừ tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC“.
  • Từ ngày 01/01/2015, 500 tấn Methyl Bromide không được sử dụng và 500 tấn HCFC- 141b cũng bị loại bỏ hoàn toàn. Gióp phần hoàn thành mục tiêu loại bỏ 10% lượng tiêu thụ những chất HCFC.

Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 có thêm quy định về việc bảo vệ tầng ozone.

Ban hành dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất  HCFC của Việt Nam-giai đoạn II”. Giai đoạn II từ 2017 – 2025.

Bài viết liên quan