Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là bệnh đại tràng chức năng là một bệnh có tỷ lệ mắc cao trong số các nhóm bệnh về đường tiêu hóa. Số người mắc bệnh đang ngày càng tăng. Vậy hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng ruột kích thích là bệnh gì?
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là bệnh đại tràng chức năng là một hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng kết hợp như đau bụng, táo bón hay ỉa lỏng,… Hội chứng gặp ở nhiều lứa tuổi trong đó hay gặp ở những người trẻ với độ tuổi dưới 30 là gặp nhiều nhất. Theo nghiên cứu thì số bệnh nhân nữ có tỷ lệ cao hơn so với những bệnh nhân nam.
Triệu chứng thường gặp của bệnh
Bệnh gồm có nhiều triệu chứng khác nhau, các triệu chứng có thể xảy ra độc lập cũng có thể xảy ra song song với nhau. Các triệu chứng thường gặp như: đau bụng, ỉa chảy hay táo bón. Ngoài ra có thể xuất hiện các triệu chứng như nôn, buồn nôn, người mệt mỏi,…
Đau bụng thường là triệu chứng khởi điểm của bệnh. Đau âm ỉ, liên tục, dọc khung đại tràng, có khi đau ở thượng vị. Đau tăng lên khi vận động mạnh hoặc ăn đồ sống lạnh. Có thể xuất hiện trong lúc đang ăn cơm, sau bữa ăn làm gián đoạn bữa ăn của mọi người. Đau không có thời gian cụ thể, có thể đau nhiều lần/tháng, có thể đau kéo dài cả tháng,…
Ỉa chảy, có thể ỉa kèm theo nhầy mũi, bọt, ỉa toàn nước. Mức độ tùy vào tình trạng và yếu tố nguy cơ gây ra
Phân táo cũng là triệu chứng quan trọng của bệnh. Bệnh nhân thường thấy khó khăn trong việc đi đại tiện, rặn nhiều, đôi khi phân xuất hiện dạng cứt vịt, không thành khuôn, kèm nhày mủ hoặc máu.
Bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích còn xuất hiện tình trạng thường xuyên trung tiện, số lượng lần đi đại tiện không cố định, ăn không ngon, mất ngủ,…
Nếu như trong phân xuất hiện máu thì đó không phải là bệnh đại tràng chức năng nữa mà đó là biểu hiện của tổn thương thực thể đường tiêu hóa. Cần phải đi nội soi, siêu âm để có được những chẩn đoán cụ thể nhất tìm ra bệnh.
Xem thêm: Đau vùng thượng vị về đêm là bệnh gì?
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể về nguyên nhân gây ra bệnh, có thể điểm qua một số nguyên nhân thường thấy qua lâm sàng như:
– Hiện tượng căng thẳng, làm việc quá sức ở mọi lứa tuổi. Căng thẳng và làm việc quá nhiều sẽ gây co thắt cơ trơn đường tiêu hóa và gây ra bệnh.
– Những bất thường gây ảnh hưởng tới nhu động ruột.
– Những viêm nhiễm tại đường tiêu hóa, gián tiếp gây ra bệnh.
– Do di truyền: Tỷ lệ di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh.
Các cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán xác định bệnh
Tất cả các cận lâm sàng chủ yếu dùng để loại trừ các tổn thương thực thể, tránh việc nhầm lẫn với các bệnh khác.
Soi phân: Chủ yếu là tìm hồng cầu, vi khuẩn, bạch cầu. Nếu có các yếu tố trên cần phải nghĩ đến các bệnh như viêm đại tràng, polyp đại tràng hay ung thư đại tràng,…
Chụp cản quang khung đại tràng để tìm ra các tổn thương làm tắc đại tràng.
Nội soi đại tràng: Soi đại tràng là cận lâm sàng rất có giá trị để tìm ra các tổn thương có trong khung đại tràng.
Tất cả các cận lâm sàng trên đều âm tính, không phát hiện tổn thương thì mới được định hướng chẩn đoán sang hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích có gây nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Hội chứng ruột kích thích bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau xảy ra liên tục, kéo dài. Bệnh không phải là các tổn thương thực thể nên nguy cơ dẫn đến các bệnh hiểm nghèo là rất thấp. Tuy nhiên, bệnh lại gây ảnh hưởng tới chất lượng sống, sinh hoạt của các bệnh nhân mắc phải. Thế nên, cần phải có nhiều biện pháp để chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt bệnh để có thể điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng bên ngoài là chính. Sử dụng những loại thuốc làm giãn nhu động ruột để giảm đau bụng (Nospa, Papaverin,…); các thuốc làm giảm táo bón như men tiêu hóa, làm mềm phân (Parafin); ngoài ra còn sử dụng các kháng sinh để điều trị các tác nhân do viêm nhiễm đường tiêu hóa (Metronidazol, Imidazole,…); thuốc trị tiêu chảy (Loperamid, smecta).
Ngoài thuốc điều trị triệu chứng tại đường tiêu hóa, còn phải kết hợp với thuốc dùng đường toàn thân: thuốc chống trầm cảm ba vòng (Sulpiride); bổ sung các vitamin và các yếu tố vi lượng khác.
Song song với thuốc uống, người bệnh phải duy trì lối sống, sinh hoạt thật khoa học để có thể phòng chống cũng như hỗ trợ điều trị bệnh.
- Ăn uống đúng, đủ bữa, theo một lịch và khung thời gian cụ thể
- Thường xuyên sử dụng rau xanh, ăn nhiều các chất xơ sẽ giúp đường tiêu hóa được thông suốt.
- Ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin và các yếu tố vi lượng để đường tiêu hóa được khỏe mạnh.
- Tránh xa các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hay các loại cafe.
- Tránh ăn những đồ ăn cay, nóng, ngọt, lạnh vì những đồ ăn này sẽ làm tổn thương đường tiêu hóa.
- Tránh thức khuya, làm việc căng thẳng, nặng nhọc để có sức đề kháng tốt nhất cho cơ thể.
Trên đây là bài phân tích cụ thể về hội chứng ruột kích thích. Bệnh không hề nặng tuy nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sống rất nhiều nếu không điều trị. Bệnh không khó điều trị nhưng cần phải kết hợp với chế độ ăn hợp lý và nghiêm ngặt. Hy vọng mọi người sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích sau bài viết này. Chúc mọi người khỏe mạnh!