Hẹp môn vị dạ dày là bệnh gì? Cách điều trị không để lại biến chứng

Hẹp môn vị dạ dày là một trong những bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm, bệnh có thể gây ra biến chứng như mệt mỏi, cơ thể suy nhược, ứ đọng thức ăn, đau nhức khó chịu… Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra ở người trưởng thành. Vậy đây là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị như thế nào?

Hội chứng hẹp môn vị dạ dày là gì?

Dạ dày được cấu tạo gồm các phần cố định như tâm vị, phình vị, hang vị, môn vị,… Trong đó, phần môn vị nằm ở phía cuối của dạ dày và tiếp nối với hành tá tràng.

Hẹp môn vị dạ dày hay còn gọi là tắc nghẽn môn vị là hội chứng có biểu hiện ách tắc một phần hoặc hoàn toàn tại môn vị. Môn vị được ví như một van cơ bắp chứa thực phẩm trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng cho giai đoạn tiêu hóa tiếp theo. Khi bị hẹp môn vị, thức ăn và dịch vị dạ dày sẽ không thể lưu thông xuống tá tràng khiến cho người bệnh suy kiệt, rối loạn nước và điện giải, nhiễm kiềm chuyển hóa và thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Nguyên nhân gây hẹp môn vị dạ dày

Thông thường có 3 nguyên nhân chính gây tình trạng hẹp môn vị ở các đối tượng khác nhau. Mỗi nguyên nhân đều có đặc tính riêng, cụ thể:

  • Bẩm sinh: Đối với trẻ sơ sinh, thông thường hội chứng hẹp môn vị thường do yếu tố gen quyết định. Những người đã từng bị hẹp môn vị có thể sẽ bị di truyền sang con.
  • Nguyên nhân lành tính: Hội chứng hẹp môn vị ở người lớn đa phần là do các bệnh lý dạ dày tá tràng gây nên. Cụ thể là do bệnh viêm loét dạ dày, viêm loét hành tá tràng… Hoặc các sẹo sau phẫu thuật, khối u lành tính ở dạ dày cũng dẫn đến tình trạng hẹp môn vị.
  • Nguyên nhân ác tính: Tình trạng này khá phổ biến và nguy hiểm khi chủ yếu là do các khối u đầu tụy, ung thư hang vị, tá tràng, u vater…

>> Tìm hiểu: Men tiêu hóa antibio: Tác dụng phụ, cách dùng và giá bán

Dấu hiệu hẹp môn vị dạ dày

Ngay từ khi khởi phát bệnh, môn vị dạ dày còn hẹp ít. Nhưng theo thời gian không được điều trị thì môn vị sẽ càng ngày càng hẹp hơn. Thông thường được chia ra làm hai giai đoạn chủ yếu.

Ban đầu hội chứng hẹp môn vị có biểu hiện như chứng rối loạn tiêu hóa. Cụ thể là một số triệu chứng như:

  • Chướng bụng
  • Đầy hơi
  • Đau bụng thượng vị
  • Buồn nôn, nôn

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn tiếp theo thì các triệu chứng cũng có dấu hiệu thay đổi và nặng nề hơn.

  • Cơn đau bụng tăng dần lên, đau có khi âm ỉ hoặc dữ dội do thức ăn và dịch vị ứ đọng trong dạ dày.
  • Khi nằm người bệnh sẽ nghe thấy tiếng óc ách ở bụng, nếu nằm ngửa thì bụng sẽ lõm xuống.
  • Nôn luôn ra thức ăn sau khi ăn kèm theo dịch vị có mùi khó chịu. Nôn nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng mất nước và chất điện giải.
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, da xanh xao, thèm ăn nhưng ăn vào sẽ đau nhiều hơn.

Để xác định rõ ràng hội chứng hẹp môn vị dạ dày, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm và khám lâm sàng. Do đó nếu thấy có các triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán hội chứng hẹp môn vị dạ dày tiên tiến nhất phải kể đến là: Chụp x- quang, nội soi dạ dày,…

Hẹp môn vị dạ dày có nguy hiểm không?

Hẹp môn vị dạ dày sẽ không nguy hiểm nếu chúng ta phát hiện bệnh kịp thời và có có những biện pháp chữa trị đúng và kịp thời.

Bệnh để lâu mà không được chữa trị sẽ nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn như ứ đọng thức ăn, đau đớn khi nằm và chúng ta phải ngồi thì mới đỡ hơn. Khi nằm, thay đổi tư thế nằm thì sẽ nghe có tiếng róc rách trong bụng gây ra những phiền toái nhất định.

Bệnh tiến triển đến mức độ nghiêm trọng này sẽ khiến người bệnh luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, bụng đói rất muốn ăn những không dám ăn vì ăn vào sẽ gây ra hiện tượng đau hơn. Người bệnh sẽ nôn ra thức ăn của ngày hôm trước đi theo đó là dịch vị có mùi rất nồng nặc. Khi nôn nhiều thì người bệnh sẽ gặp phải tình trạng mất nước và chất điện giải sẽ càng làm cho bệnh nhân thêm mệt mỏi hơn khiến cho bệnh nhân ngày càng gầy đi trông thấy, cơ thể suy nhược nhiều hơn và hay tức giận vô cớ.

Các phương pháp điều trị hẹp môn vị dạ dày

Ngày nay, hẹp môn vị thường được xử lý bằng hai phương pháp chính là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Tùy vào từng tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp phù hợp cho người bệnh. Nhưng hầu hết đều trải qua thời gian điều trị nội khoa trước.

Điều trị nội khoa

Các trường hợp hẹp môn vị dạ dày nhẹ chưa cần phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại thuốc như: Thuốc kháng tiết acid, thuốc ức chế bơm proton và bù chất điện giải.

Điều trị phẫu thuật

Có hai phương pháp phẫu thuật chính được sử dụng hiện nay là nối vị tràng và cắt dạ dày. Đối với các trường hợp hẹp môn vị do ung thư dạ dày thì người bệnh sẽ phải cắt bỏ một phần dạ dày tùy vào kích thước khối u và giai đoạn ung thư. Một số trường hợp người bệnh quá yếu hoặc tổn thương đang có di căn thì sẽ phẫu thuật nối vị tràng tạm thời.

Ngoài ra, người bệnh bị viêm loét dạ dày tá tràng gây hẹp môn vị cũng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ ⅔ dạ dày. Nếu bệnh nhân có tiền sử suy tim, lao, hen… hoặc quá yếu thì cũng sẽ thực hiện phẫu thuật nối vị tràng.

Cách phòng tránh hội chứng hẹp môn vị

Có thể thấy hội chứng hẹp môn vị dạ dày gây ra rất nhiều di chứng nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần phòng ngừa các trường hợp hẹp môn vị do bệnh lý dạ dày gây nên. Để làm được điều này, bạn cần lưu ý:

  • Có chế độ ăn uống khoa học: Không ăn đồ chua cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…
  • Tránh xa chất kích thích và đồ uống có cồn: Rượu bia, cafe, thuốc lá là những chất kích thích khiến cho tình trạng viêm loét thêm trầm trọng và hẹp môn vị dễ dàng xảy ra.
  • Không lạm dụng thuốc tân dược: Các loại thuốc kháng viêm, thuốc đặc trị bệnh với tác dụng phụ nguy hại cho hệ tiêu hóa cũng là tác nhân gây hẹp môn vị cần đặc biệt lưu ý
  • Sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống đúng giờ, chia nhỏ các bữa ăn, nghỉ ngơi phù hợp, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc.
  • Tập luyện thể dục thể thao: Các bộ môn đạp xe, đi bộ, yoga, thiền giúp cân bằng hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
  • Thăm khám định kỳ: Thường xuyên tới các cơ sở y tế thăm khám để sớm chẩn đoán bệnh và có cách xử lý kịp thời.

Trên đây là các thông tin về hội chứng hẹp môn vị dạ dày. Đây là tình trạng rất nguy hiểm mà chúng ta cần đặc biệt cẩn trọng. Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức và lưu ý về căn bệnh này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.

Bài viết liên quan