Đau vùng thượng vị về đêm là một trong những tình trạng rất hay gặp ở người gặp vấn đề về dạ dày. Tuy triệu chứng này thường không có gì đáng quan ngại, song bạn không nên quá chủ quan mà lơ đi những biểu hiện của bệnh, bởi nó có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm về sau.
Như thế nào là đau vùng thượng vị về đêm?
Để hiểu thế nào là đau vùng thượng vị về đêm, bạn cần xác định vùng thượng vị nằm ở đâu trên cơ thể. Thượng vị là vùng nằm dưới mũi xương ức và trên rốn của cơ thể. Đau thượng vị là hiện tượng đau trên rốn và giữa hai bên sườn ức. Tùy theo từng nguyên nhân mà có các biểu hiện đau khác nhau thậm chí kèm theo ợ hơi, ợ chua. Đặc biệt, đau vùng thượng vị có thể coi là tình trạng mạn tính, xảy ra hằng đêm, lặp đi lặp lại.
Nguyên nhân đau vùng thượng vị về đêm
Dưới đây là các nguyên nhân gây nên tình trạng đau vùng thượng vị, đa phần gây ra bởi các bệnh lý có liên quan tới đường tiêu hóa của cơ thể, trong đó có 4 bệnh lý tiêu biểu như sau:
- Viêm loét dạ dày: Là căn bệnh gây thương tổn vùng niêm mạc dạ dày dẫn đến tình trạng viêm và loét, khiến cho lớp niêm mạc dạ dày càng ngày bị bào mòn dẫn đến lộ thành ruột. Nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) và lạm dụng thuốc NSAID (hay còn gọi là thuốc kháng viêm không steroid).
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh xảy ra khi cơ vòng thực quản mở gây trào ngược thức ăn kèm theo acid dạ dày, mật từ dạ dày lên tới thực quản, gây ra tức ngực, đau bụng, buồn nôn,…và cả đau thượng vị.
- Xuất huyết dạ dày: Là biến chứng của viêm loét dạ dày, xảy ra khi dạ dày bị chảy máu do các viêm loét nặng. Bệnh rất nguy hiểm bởi nếu không có những phương pháp điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong.
- Viêm tụy: Tình trạng viêm trong một khoảng thời gian với các biểu hiện bệnh từ nhẹ đến rất nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Bởi nếu dịch tủy tràn vào bên trong ổ bụng thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, thương tổn các mô dạ dày.
Ngoài ra, đau vùng thượng vị còn do các nguyên nhân chủ quan gây nên, điển hình là:
- Nghiện rượu: Tình trạng nghiện rượu lâu năm khiến cho lớp niêm mạc ở dạ dày bị bào mòn do các chất có trong rượu, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh lý xuất huyết dạ dày.
- Ăn quá nhiều: Tình trạng rối loạn ăn uống, việc ăn quá nhiều, dồn đọng thức ăn khiến dạ dày buộc phải mở rộng, gây chèn ép nên các cơ quan xung quanh, tạo cơn đau vùng thượng vị.
Triệu chứng thường gặp của đau vùng thượng vị về đêm
Các bạn nên chú ý nếu bản thân gặp phải những triệu chứng này để có thể đi khám bác sĩ và nhận điều trị kịp thời. Thường thì cơn đau vùng này không độc lập mà đi kèm với các biểu hiện khác nhau của cơ thể, tùy vào tình trạng bệnh:
- Đau thượng vị từng cơn: Những cơn đau ngắn, xuất hiện trong một khoảng thời gian cụ thể (về đêm), chu kỳ lặp lại, gây mệt mỏi, vã mồ hôi.
- Đau thượng vị ợ hơi: Thỉnh thoảng xuất hiện với cường độ đau nhẹ, cơn đau tức ngực kèm theo ợ hơi, ợ nóng,…
- Đau thượng vị lan ra sau lưng: Khi tình trạng chuyển biến nặng hơn, những cơn đau không còn ngắt quãng mà âm ỉ, kéo dài với tần suất ngày một gia tăng, khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, đau nhói.
- Hiện tượng đau lan tỏa trên ngực.
- Nóng rát ở vùng thượng vị: Xuất hiện ngẫu nhiên, do ăn quá no, uống cà phê,…
- Cảm giác buồn nôn và nôn: Mất cảm giác thèm ăn, cơ thể lâu ngày suy nhược do không được hấp thụ đầy đủ chất, luôn có cảm giác buồn nôn, nôn thốc sau ăn.
Tìm hiểu: Táo bón: Nguyên nhân và cách điều trị táo bọn hiệu quả
Cách chữa đau thượng vị về đêm
Nhằm có phương pháp điều trị hợp lý thì tốt nhất khi phát hiện các triệu chứng trên, bạn nên đi gặp và thăm khám bác sĩ ở những cơ sở uy tín để có phác đồ điều trị hợp lý nhất, được kê khai đúng loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Không nên tự ý đi mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thử những liệu pháp không có cơ sở khoa học, các liệu trình không đảm bảo tính an toàn.
Các biện pháp phòng tránh đau thượng vị về đêm
Muốn khỏi bệnh hay cải thiện tình trạng bệnh thì bạn nên bắt đầu bằng cách
thực hành những điều dưới đây:
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu bia.
- Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, chua và thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung thêm hoa quả, rau xanh vào khẩu phần ăn.
- Tạo thói quen uống nước khoảng 2 lít mỗi ngày, bắt đầu bằng việc uống nước mỗi sáng thức dậy.
- Thực hiện thói quen sống khoa học: tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc đúng giờ.
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh gây ra stress cho bản thân vì suy nghĩ, căng thẳng nhiều cũng là một trong những nguy cơ gây ra đau vùng thượng vị.
Trên đây là một số chia sẻ về tình trạng đau vùng thượng vị về đêm. Hi vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu rõ phần nào và nắm được các cách phòng bệnh khi bị đau vùng thượng vị.