Men vi sinh tác dụng và cách dùng hiệu quả

Men vi sinh được sử dụng khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được men vi sinh là gì, có những loại nào, nên uống khi nào để đạt được công dụng tốt nhất, lựa chọn loại nào để hợp với tình trạng của mình? Hãy cùng Social Forestry đi tìm câu trả lời ở bài viết bên dưới nhé!

Men vi sinh là gì?

Men vi sinh (probiotic) thực chất là các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ vi khuẩn, được đưa vào cơ thể nhằm bổ sung lượng vi khuẩn sống có lợi, cân bằng hệ vi sinh đường ruột và ức chế các vi khuẩn có hại khác.

Về thuật ngữ, men vi sinh thường bị nhầm lẫn với men tiêu hóa và prebiotic.

Khác với men vi sinh có nguồn gốc vi khuẩn, các men tiêu hóa có bản chất là các enzym, những enzym này giống với các enzym vẫn thường có trong cơ thể người như pepsin, trypsin, pancreatin, papain hay amylase.

Còn prebiotic là các chất xơ được cung cấp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các lợi khuẩn phát triển. Prebiotic khác với probiotic (men tiêu hóa), nhưng thông thường để tăng cường hiệu quả của men tiêu hóa, các chế phẩm có thể có sự kết hợp cả prebiotic và probiotic).

Men vi sinh có tác dụng gì?

Trong cơ thể người, nhất là tại đường ruột, vốn vẫn luôn tồn tại song song cả vi khuẩn có lợi và có hại. Tuy nhiên, chúng phát triển và kìm hãm lẫn nhau để đảm bảo sự cân bằng vi sinh đường tiêu hóa. Các vi khuẩn có lợi giúp lên men thức ăn, tạo axit lactic, axit hóa đường ruột giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Sự có mặt của các lợi khuẩn còn ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, khắc phục tình trạng loạn khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch đường ruột.

Khi cơ thể gặp phải tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh (thường do quá trình dùng kháng sinh kéo dài, việc tiêu diệt vi khuẩn cũng kèm theo ảnh hưởng đến lượng lợi khuẩn đường ruột), người bệnh có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa và cần bổ sung ngay men vi sinh để thiết lập lại cân bằng.

Men vi sinh đem lại hiệu quả tốt khi người bệnh đang gặp phải một số tình trạng như:

  • Hội chứng ruột kích thích IBS.
  • Tiêu chảy (do nhiễm trùng, do ăn uống hoặc do dùng kháng sinh).
  • Viêm đại tràng IBD.
  • Trẻ em biếng ăn, bị các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
  • Người có hội chứng bất dung nạp lactose trong sữa.
  • Người mới ốm dậy, chán ăn (dùng men vi sinh để kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn, giúp mau chóng hồi phục).

Một số nghiên cứu cho thấy men vi sinh cũng có tác dụng cải thiện với các bệnh về:

  • Da liễu, chàm.
  • Bệnh sinh dục và đường niệu.
  • Dị ứng, cảm.
  • Bệnh lý đường miệng.

>> Xem thêm: Có nên cho trẻ uống men tiêu hóa không?

Cách dùng men vi sinh hiệu quả

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), men vi sinh chỉ được coi là một loại thực phẩm bổ sung, không phải là thuốc và cũng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tùy từng loại men vi sinh, dạng bào chế và đối tượng sử dụng sẽ có cách dùng khác nhau:

  • Với dạng dung dịch, nên lắc kỹ trước khi sử dụng và phải sử dụng ngay, muộn nhất tầm 30 phút sau khi mở nắp.
  • Với dạng bột hòa tan, cần hòa tan vào nước đun sôi để nguội, pha xong nên uống ngay, tuyệt đối không pha với nước, đồ ăn, cháo đang nóng, vì nhiệt độ cao làm tiêu diệt bớt lượng vi khuẩn có trong men, làm giảm hiệu quả sử dụng.
  • Với trẻ em, có thể trộn, phối hợp men với thức ăn, tuy nhiên chỉ phối hợp nếu thức ăn ở nhiệt độ thấp (dưới 40 độ). Men vi sinh chỉ nên dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên hay đang trong thời kỳ ăn dặm.
  • Chỉ nên dùng men vi sinh trong thời gian ngắn hạn, không lạm dụng, không dùng men vi sinh nếu có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong men.
  • Không dùng men vi sinh đồng thời với kháng sinh. Nên dùng men vi sinh ít nhất 2 giờ sau khi sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên uống vào khoảng thời gian giữa hai lần uống kháng sinh liên tiếp.

Uống men vi sinh khi nào?

Dạ dày thường tiết ra nhiều dịch vị dạ dày hơn trong khi ăn để tiêu hóa lượng thức ăn được dung nạp vào cơ thể. Khi đó, độ pH có thể sẽ giảm xuống ở mức 1 – 2. Sau khi thức ăn đã được tiêu hóa thì độ pH ở dạ dày sẽ về mức được nghỉ ngơi là từ 4 – 5. Do đó, nên uống men vi sinh khi đói, trước mỗi bữa ăn từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ hoặc sau bữa ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Các loại men vi sinh tốt phổ biến hiện nay

Có nhiều cách để lựa chọn và phân loại men vi sinh:

Theo dạng bào chế, men vi sinh được chia thành: dạng dung dịch uống, dạng viên nang và dạng bột hòa tan. Dạng bột hòa tan tương đối phổ biến và sử dụng dễ dàng.

Theo các nhà khoa học, có tới hơn 500 chủng men vi sinh khác nhau, không phải chủng nào cũng được sử dụng làm probiotic. Để được sử dụng và thương mại như một sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, men vi sinh cần đảm bảo cả 5 yếu tố:

  • Nguồn gốc: Đảm bảo là men tự nhiên, dùng được trên người.
  • Hàm lượng: Phải đảm bảo liều sử dụng cung cấp lượng vi sinh cần thiết.
  • Khả năng tồn tại: Vi sinh phải có khả năng sống sót khi đi vào cơ thể, không bị axit dạ dày tiêu diệt và có khả năng bám vào thành niêm mạc ruột chắc chắn.
  • Đặc hiệu: Chủng vi sinh phải đảm bảo đúng là loại vi khuẩn có lợi cần dùng, đúng theo phân loại chi, họ, loài trong xếp loại sinh vật.
  • Có tác dụng hiệu quả tốt với hệ tiêu hóa của con người.

Đáp ứng các tiêu chuẩn trên, hiện nay có hai loại men vi sinh được sử dụng tương đối phổ biến, bao gồm:

Lactobacillus

Đây là men vi sinh phổ biến nhất, tìm thấy dễ dàng trong sữa chua hay các thức ăn lên men.

Bifidobacterium

Là men vi sinh được chủ yếu có trong các sản phẩm từ sữa, có hiệu quả cao với những người có hội chứng ruột kích thích hay rối loạn tiêu hóa đường ruột.

Men vi sinh trên thị trường có nhiều loại, nhiều hãng sản xuất khác nhau nên khi lựa chọn, người dùng nên lựa chọn sản phẩm của các hãng uy tín, mua sản phẩm tại các cơ sở đáng tin cậy để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Hi vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về men vi sinh là gì. Hãy sử dụng các loại men tiêu hóa đúng cách để đem lại hiệu quả cao nhất nhé.

Bài viết liên quan