Bảo vệ động vật hoang dã giúp bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người… Vậy thực trạng bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta hiện nay như thế nào? Có những giải pháp nào được đưa ra để bảo vệ động vật hoang dã?
Tại sao cần bảo vệ động vật hoang dã?
Theo ước tính hiện nay có gần 1.556 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc có thể gần tuyệt chủng cần được bảo vệ. Có đến gần 1/2 sinh vật trên trái đất cư trú và sinh trưởng ở những khu rừng nhiệt đợt. Tuy nhiên, hàng năm diện tích rừng nhiệt đới đang bị thu hẹp hàng trăm nghìn ha và nhiều loài đã bị tuyệt chủng. Do đó, việc bảo vệ động vật hoang dã là vấn đề cấp bách hiện nay.
Sự biến mất của một số loài động vật hoang dã không chỉ do môi trường sống bị phá hủy mà còn do con người trực tiếp gây ra. Hoạt động săn bẫy thú từng làm cho số lượng động vật hoang dã bị giảm nhanh chóng.
Bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường sống trong lành, mang giá trị kinh tế, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện phát triển ngành y học.
Thực trạng bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam
Hiện nay, nước ta vẫn còn nhiều vi phạm về việc bảo vệ động vật hoang dã nhưng cũng có những thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể như sau:
Vẫn còn nhiều vi phạm
Việt Nam bị coi là nước tiêu thụ động vật hoang dã; đồng thời còn là một mắt xích rất quan trọng trong mạng lưới trung chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia. – Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên.
Theo số liệu năm 2017, có 1.352 trường hợp vi phạm về động vật hoang dã. Bao gồm 65,2% buôn bán và quảng cáo, 21,1% nuôi nhốt trái phép và 1,61% săn bắt động vật hoang dã.
829 trường hợp được ghi nhận qua đường dây nóng do người dân báo, so với năm 2016 tăng 29%. Trong số này, có đến 399 trường hợp được giải quyết, tỷ lệ thành công 48%, so với năm 2016 đã tăng 6%. Việc vi phạm bảo vệ động vật hoang dã diễn ra nhiều nhất ở các tỉnh TP HCM, Vũng Tàu, Hà Nội…
Cứu hộ và bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm
Năm 2017 cũng là năm số lượng động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp được cứu hộ, chuyển giao và bảo tồn được nhiều nhất kể từ năm 2006.
Chẳng hạn như, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã chuyển giao, cứu hộ được 28 cá thể động vật hoang dã quý hiếm; tịch thu 26 cá thể động vật rừng quý hiếm đang nguy cấp; phạt hành chính 3 vụ vi phạm về động vật hoang dã số tiền phạt 58 triệu đồng.
15 cá thể rắn cạp nong, rắn hổ mang và mèo rừng được thả về nơi cư trú. 2 cá thể trăn đất, khỉ đuôi lợn được tiếp nhận rồi chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc.
Bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm bảo vệ động vật hoang dã
Rất nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ cả ở trong nước và nước ngoài do buôn bán vận chuyện động vật hoang dã quý hiếm. Điển hình, tháng 04/2017, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến bị bắt giữ tại Hà Nội cùng với số lượng động vật hoang dã lớn. Hay 02/01/2018, công an huyện Kim Bôi, Hòa Bình kiểm tra xe ô tô và bắt giữ một người đàn ông với 3 cá thể báo gấm đã chết.
Thay đổi tích cực về pháp lý
Giai đoạn từ năm 2014 – 2016, có 156 vụ vi phạm hình sự về động vật hoang dã. Trong đó khoảng 17,9% áp dụng mức phạt tù giam, còn lại là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền. Những hình phạt này được đánh giá vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng.
Năm 2017, Bộ Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2018 sẽ là công cụ hiệu quả răn đe, trấn áp tội phạm về động vật hoang dã hơn. Cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm về động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm; hoặc bị phạt 5 tỷ đồng nếu là cá nhân; 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng – 3 năm hoặc vĩnh viễn nếu đối tượng là pháp nhân.
Giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã
Mặc dù có những thay đổi tích cực về pháp lý, ý thức của địa phương, người dân nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Do đó, cần phải có những giải pháp cấp bách chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép những loài động vật này ở nước ta.
Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ĐVHD trái phép
Nỗ lực điều tra, xử lý nghiêm với những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Xóa bỏ nạn tham nhũng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Có biện pháp răn đe hiệu quả
Trừng trị thích đáng đối tượng vi phạm vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã nhằm răn đe hiệu quả những đối tượng khác.
Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức
Nghiêm cấm tuyệt đối việc buôn bán sừng tê giác dưới tất cả các hình thức; kể cả việc buôn bán mẫu vật săn bắn. Có như vậy hình ảnh Việt Nam dưới cái nhìn là nước tiêu thụ và trung chuyển trong cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác hiện nay sẽ dần dần được xóa bỏ.
Tiêu hủy kho sừng tê giác, ngà voi thu giữ được
Cần phải tiêu hủy toàn bộ các kho sừng tê giác và ngà voi thu giữ được. Chỉ giữ lại một lượng mẫu vật nhỏ để dùng trong nghiên cứu khoa học, phân tích ADN và phục vụ giáo dục – đào tạo.
Thắt chặt quản lý cơ sở nuôi hổ tư nhân và cho hổ sinh sản không kiểm soát
Từ năm 2007, số lượng cá thể hổ nuôi nhốt ở những cơ sở, vườn thú tư nhân tăng từ 55 lên hơn 189 do sinh sản không kiểm soát. Những cá thể hổ này không có giá trị trong bảo tồn ĐVHD quý hiếm, nguy cấp. Do đó, cần đóng cửa những cơ sở tư nhân nuôi hổ. Đồng thời, nghiêm cấm cho hổ sinh sản dưới mọi hình thức nếu như không có giá trị hoặc phục vụ mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục và bảo tồn.
Chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu
Cần khuyến khích những chủ cơ sở tư nhân nuôi gấu tự nhiên chuyển giao cá thể gấy không đòi bồi thường. Ngược lại sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về việc vi phạm bảo vệ động vật hoang dã
Siết chặt hơn việc cấp giấy phép nuôi thương mại ĐVHD
- Khi chưa thiết lập được hệ thống quản lý hiệu quả và cơ quan chức năng chưa có đủ khả năng giám sát, quản lý sát xao những cơ sở nuôi thương mại ĐVHD thì cơ quan có thẩm quyền không được cấp phép.
- Thu hồi giấy phép đối với các cơ sở nuôi không có đầy đủ bằng chứng hợp pháp, thông tin minh bạch về nguồn gốc ĐVHD đang nuôi nhốt hoặc mua bán.
- Xử lý nghiêm minh đối với các cán bộ địa phương tham nhũng, bao che, cấu kết cho hoạt động nuôi thương mại ĐVHD trái phép.
Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương
Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn cần phải được nâng cao.
Tăng cường đấu tranh với tội phạm trên Internet về buôn bán ĐVHD
- Cần phải đóng cửa những trang thông tin điện tử nếu chứa các thông tin rao bán, quảng cáo, hoặc mua bán ĐVHD cần được bảo tồn.
- Tăng cường theo dõi và chặn những trang cá nhân trên mạng xã hội được các đối tượng dùng để rao bán ĐVHD.