Cảm giác nóng trong bụng dưới thường liên quan đến những rối loạn của các cơ quan thuộc ổ bụng và mức độ nguy hiểm cũng tùy thuộc vào từng cơ quan nhất định. Vậy nóng bụng dưới có nguy hiểm không, là dấu hiệu cảu bệnh gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết này nhé!
Biểu hiện của nóng trong bụng
Nóng trong bụng đôi khi chỉ là triệu chứng cơ năng thoáng qua, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phức tạp. Người bị nóng bụng dưới có cảm giác nóng theo nhiều mức độ khác nhau, từ nóng đến nóng rát, rát bỏng và đau dữ dội.
Tùy theo vị trí, nóng trong bụng được phân thành nóng bụng trên và nóng bụng dưới. Nóng bụng trên, với cảm giác rát bỏng, thường liên quan đến đau thượng vị, trào ngược dạ dày, đau dạ dày. Trong khi đó, nóng bụng dưới liên quan đến các vấn đề về ruột hay cơ quan vùng chậu.
Nóng trong bụng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Nóng trong bụng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, việc chẩn đoán tương đối khó khăn và cần đến các xét nghiệm đặc hiệu.
Nóng bụng trên
Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc các bệnh về dạ dày như viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Do ảnh hưởng của axit dịch vị và các vết loét, bạn có thể cảm thấy nóng ran, đôi khi bỏng rát vùng thượng vị. Cảm giác đau đôi khi lan ra sau lưng hay vai, có thể kèm theo khó thở.
Một số bệnh lý khác cũng có thể có triệu chứng nóng vùng bụng trên như bệnh về gan, mật, tụy, sỏi mật, sỏi tụy.
Nóng vùng bụng dưới
Nếu thấy nóng bụng dưới, rất có thể bạn đang mắc các bệnh sau:
- Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích (IBS) là hội chứng rối loạn liên quan đến ruột già, xuất hiện do sự kết hợp của rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể, cơ chế thần kinh và rối loạn nhu động ruột. Các biểu hiện hay gặp là đầy hơi, chướng bụng, có cảm giác nóng, co thắt bụng dưới, táo bón, tiêu chảy thất thường.
- Viêm ruột thừa: Người bệnh có cảm giác đau dữ dội vùng hố chậu phải, vùng bụng dưới, đau nặng hơn khi đi lại, vận động, co duỗi chân phải, buồn nôn, nôn, sốt, đầy bụng và nóng ran bụng dưới. Viêm ruột thừa là bệnh cấp tính, vị trí đau tương đối đặc hiệu, khi phát hiện cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu, tránh tình trạng vỡ ổ viêm gây nhiễm trùng toàn ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu (PID) là bệnh nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục nữ, khởi đầu bằng việc nhiễm khuẩn từ âm đạo, sau lan dần đến tử cung và buồng trứng, ống dẫn trứng.
Bệnh nhân có các biểu hiện: Nóng vùng bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục, sốt, kinh nguyệt bất thường, đau vùng chậu, ra khí hư, gặp khó khăn khi đi tiểu, tiểu buốt. Viêm vùng chậu nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là bệnh liên quan đến ống dẫn trứng, mô khung chậu hay buồng trứng, gây đau đớn do sự xuất hiện nhiều của các nội mạc tử cung lạc chỗ.
Lạc nội mạc tử cung khiến người bệnh có cảm giác nóng quanh vùng bụng dưới (nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt), chảy máu âm đạo, đau khi quan hệ, đau quặn ruột. Bệnh điều trị muộn có nguy cơ vô sinh hoặc giảm khả năng mang thai.
- Hội chứng Mittelschmerz: Là hội chứng xảy ra trong quá trình rụng trứng hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, đặc trưng bởi các cơn đau, nóng vùng bụng dưới, đau nhói, đột ngột, các cơn đau kèm theo chảy máu âm đạo nhẹ.
- Viêm túi thừa đại tràng: Túi thừa thông thường có ở vùng dưới của đại tràng, có kích thước nhỏ. Khi bị viêm, túi thừa phình to ra, kèm theo cảm giác nóng vùng bụng dưới, buồn nôn, nôn ói, sốt.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: Nhiễm khuẩn tiết niệu (UTI) liên quan đến các bộ phận của hệ thống tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo với các triệu chứng như đi tiểu ra máu, tiểu buốt, nóng rát, tức vùng bụng dưới. Phụ nữ dễ nhiễm khuẩn hơn nam giới.
Tham khảo: Nguyên nhân gây nóng rát dạ dày và cách khắc phục tốt nhất
Cách xử trí khi có cảm giác nóng trong bụng
Xử trí đặc hiệu
Tùy vào từng nguyên nhân, có các biện pháp chữa trị nóng trong bụng khác nhau, cụ thể:
- Viêm loét dạ dày: Dùng các thuốc kháng axit dịch vị, thuốc chẹn bơm proton dạ dày, thuốc kháng histamin H2.
- Hội chứng ruột kích thích: Dùng các thuốc chống tiêu chảy, chống co thắt nhu động ruột, thuốc nhuận tràng trị táo bón hay thuốc điều trị rối loạn tâm thần.
- Viêm ruột thừa: Cần phẫu thuật cắt bỏ phần ruột viêm. Hiện nay, việc cắt bỏ đã trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn với kỹ thuật nội soi.
- Viêm vùng chậu: Sử dụng kháng sinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Can thiệp phẫu thuật tùy theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không có kế hoạch mang thai, có thể giảm triệu chứng bệnh bằng cách sử dụng các hoocmon ngừa thai, chống viêm. Một số biện pháp điều trị khác có thể làm giảm khả năng mang thai nên có thể xem xét đến biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm nếu khả năng mang thai suy giảm.
- Hội chứng Mittelschmerz: Sử dụng các thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen,…
- Viêm túi thừa đại tràng: Có thể dùng kháng sinh và giảm đau để giảm bớt triệu chứng của bệnh.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: Dùng kháng sinh để điều trị.
Điều trị bổ sung
- Thực hiện thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt:
- Ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, không ăn đồ cay nóng, khó tiêu, ăn uống đúng giờ giấc, không bỏ bữa.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
- Kiêng không quan hệ tính dục đối với các bệnh liên quan đến bất thường hệ tiết niệu, sinh dục.
Mỗi bệnh lý có cách điều trị nóng bụng khác nhau, người bệnh tuyệt đối không tự mình chẩn đoán và sử dụng thuốc. Để chẩn đoán xác định một bệnh cụ thể cần có các xét nghiệm chuyên biệt và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi thấy có cảm giác nóng bụng dưới, nóng trong bụng, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám phát hiện bệnh và sớm điều trị, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Hãy thường xuyên lưu ý và chăm sóc cơ thể mình thật tốt bạn nhé.